TIỂU SỬ RA ĐỜI ĐẠO CÔNG GIÁO TẠI ĐẤT MỤ
(Nay là Giáo xứ Mỗ Xá – TGP Hà Nội)
Vào khoảng những năm 1900 đến 1902
Cụ Lê Đình Hạnh tên thường gọi là cụ Cửu Hạnh, cụ sinh tại đất Tràng Xuân xã Cao Dương huyện Thanh Oai, Tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Cụ là người con di dân sang sinh sống tại xóm Giữa, thời thanh niên cụ đã có một sức khỏe trai tráng, văn võ song toàn. Thời đó có bọn cướp ngày. Một ngày kia có nghe báo bên Mọc xá lại bị bọn cướp ngày hoàn hành. Cụ lập tức sang bên Mọc bắt được bọn cướp đó bắt mang về giao cho quan phủ, danh tiếng cụ được ca khen. Sau này quan phủ ban tặng cho cụ Cửu Hạnh một chức danh “Đại Cửu Phẩm” thuộc Tổng Văn La. Bấy giờ, hằng năm có các cuộc họp trên đình của các quan phủ, cụ đều có mặt tham gia và được ngồi hàng trên. Các cụ trong hàng Tổng của đình bầu cụ Cửu làm chủ tế trên đình. Từ khi làm chức chủ tế, có những câu nói xiên trọc cụ đã bỏ qua, nhưng vì một câu nói quá xúc phạm đến danh dự của cụ là: “Các cụ trong làng hết rồi mà để thằng không có gia cư làm chủ tế”. Câu nói đó khiến cụ Cửu Hạnh phẫn nộ gây xích mích, oán hận cãi cọ sâu sát. Từ đó, cụ về thành lập một nhóm để cụ bàn bạc các phương pháp chống lại các Chánh Tổng và các cụ trên đình:
Đứng đầu là cụ Lê Đình Hạnh (cụ Cửu)
- Cụ Lê Trọng Tăng (xóm Giữa)
- Cụ Nguyễn Đăng Pháo (xóm Giữa)
- Cụ Lê Xuân Trưng (xóm Kho)
Bốn cụ này phong là các bô, kêu gọi nhân dân trong khu xóm đấu tranh lấy khu đất khuôn viên nhà thờ hiện tại là xứ Mỗ Xá bây giờ. Lúc đó là đất bãi, thuộc quyền quản lý của Chánh Tổng thuộc tổng Văn La. Thời đó Cụ Cửu mạnh thế và có văn võ nên được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của nhân dân.
Những năm sau đó, do nhu cầu thủy lợi của khu miền bến hay bị ngập nước, các bô trình lên Chánh Tổng cho nhân dân đào mương để thoát úng (mương giáp ranh với Tân Thôn, còn gọi là cống ngòi) cũng là để thoát nước và là ranh giới giữa hai miền Tân Thôn và Mụ. Khi thực hiện đào mương dân làng Tân Thôn không cho đào vì lý do sợ động đến làng. Sự đụng độ hai bên gây mâu thuẫn lớn đánh nhau nhưng không đánh được. Họ thưa đơn kiện ông Cửu Hạnh (lúc này ông đang làm chức Đại Cửu Phẩm) lên Chánh Tổng. Thế là ông Cửu Hạnh bị xử tòa. Được sự khôn ngoan cụ tìm đến Cố Tây người Pháp đang ở Gò Cáo thuộc huyện Chương Mỹ hiện nay, cụ trình sự việc với Cố Pháp và đã nhận được giúp đỡ. Về sau, cụ thoát khỏi đơn kiện không bị chuyên án tù.
Hạt giống tin mừng đầu tiên
Để đáp lại ơn cứu mạng, cụ Cửu Hạnh về kết hợp với các bô trong đó có bốn gia đình của các bô và vận động nhiều gia đình bỏ bát hương theo Đạo. Được sự che chở của Cố Pháp mọi việc suôn sẻ. Dần dần thêm số người gia nhập Đạo đầu tiên vào năm 1902 (đầu thế kỷ 19). Hạt giống tin mừng đầu tiên của đất Mỗ Xá được hình thành từ đây, chỉ có 4 gia đình của các bô và một số gia đình khác đã vào Đạo, và đã sinh hoa kết quả tốt cho đến ngày nay.
Nơi thờ phượng Chúa – Nhà thờ tạm đầu tiên
Khi đã theo Đạo rồi cần phải có nơi cầu nguyện, các bô dựng một nhà thờ đầu tiên bằng tre vầu lập bằng lá ở khu đất trống đằng sau nhà ông Giáo Cẩn xóm Giữa.
Sự bất mãn giữa lương giáo và mối thù hận trước đây tưởng chừng như đã qua, nhưng cụ Cửu lại một nữa bị dân làng Tân Thôn đâm đơn kiện. Cụ Cửu lập tức họp với các bô đưa ra những phương pháp để giải quyết. Nửa đêm các bô đốt nhà thờ rồi vu cho bên lương đốt và kiện lên hàng Tổng. Cụ Cửu và các bô trình lên với Cha Cố Pháp sự việc. Và sau đó việc kiện tụng của hai bên đã được giải hòa.
Xây dựng Vườn Thánh
Trong những năm đó các bô cùng giáo dân quy hoạch khu đất để chôn của người Công Giáo khi qua đời (hiện nay là Vườn Thánh).
Khu đất của nhà thờ Mỗ Xá hiện tại
Những năm sau đó, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo phát triển nhưng chưa có nhà thờ để cầu nguyện, các bô và giáo dân đệ trình lên Cố Pháp để được xây nhà thờ. Mọi việc rất thuận lợi, các bô đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây nhà thờ. Khu đất được các bô chọn nằm ở xóm Giữa, thuộc lô đất của Tổng Chánh Văn La. Đây là khu đất nhà thờ Mỗ Xá hiện nay. Vậy là nhà thờ Mỗ Xá đã bắt đầu được quy hoạch xây dựng.
Vật liệu được các cụ chọn để xây nhà thờ là gạch. Trần thượng và trần hạ được làm bằng rơm pha trộn với vôi và mật. Tháp mảnh và gác chuông được đặt đằng sau hậu bầu. Ngoài nhà thờ cũng được đắp vẽ hoa lá kiến trúc theo kiểu các nhà thờ thời bấy giờ. Được sự đóng góp công sức to lớn của giáo dân Mỗ Xá lúc bấy giờ, và sự hỗ trợ nhiệt tình của Họ Đa Ngư không những về giáo lý, tinh thần sống đạo mà còn đóng góp công sức nhân công sang hỗ trợ làm nhà thờ, công trình xây dựng nhà thờ Mỗ Xá đã được hoàn thành vào năm 2021.
Đây là những tin cập nhật được từ khi vào Đạo năm 1902 đến năm hoàn thành nhà thờ năm 1921
Thành lập Ban Hành Giáo Họ đầu tiên
Trong khi xây dựng nhà thờ, Cha Cố Pháp cùng giáo dân đã thành lập Ban Hành Giáo, là Họ lẻ thuộc Giáo Xứ Thượng Lao.
Các thành viên đó là:
Ông trưởng: cụ Lê Đình Hạnh
Ông trùm: Cụ Lê Xuân Trưng (Trùm cả)
Ông quản: cụ Lê Trọng Tăng
Đến năm 1948 được bề trên Giáo phận Hà Nội cho họ Mỗ Xá được đặt Mình Thánh Chúa chầu hàng ngày vào chính ngày Lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Vậy là kể từ năm 1948 cho đến nay nhà thờ Mỗ Xá được đặt Mình Thánh Chúa trong nhà tạm. Đó là một hồng ân lớn lao của họ Đạo Mỗ Xá .
Thành lập Giáo xứ (8/9/1961)
Trải qua gần 60 năm kể từ những hạt giống tin mừng đầu tiên của họ Mỗ Xá (năm 1902), giáo dân trong Giáo họ đã tăng lên từ lương sang giáo, kinh nguyện sốt sắng, có nền móng Đạo vững chắc. Năm 1961, Cha Tôn phụ trách quản xứ Thượng Lao lúc bấy giờ, cụ Nguyễn Đăng Xạ – Trùm họ Mỗ Xá cùng Ban Hành Giáo ra Tòa Giám Mục Hà Nội trình Bề Trên Giáo phận ước nguyện lên xứ.
Bề Trên Giáo phận xét thấy họ Mỗ Xá đủ tiêu chuẩn, đã chấp nhận đơn xin của Cha Tôn và giáo dân Mỗ Xá. Ngày 8/9/1961 – nhân ngày Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đức Ông Giuse Nguyễn Ngọc Oánh chính thức phê chuẩn cho họ Mỗ Xá lên bậc Giáo Xứ Mỗ Xá.

Những tiểu sử này đã được các cụ ông, cụ bà trong xứ Mỗ Xá và họ Đa Ngư truyền lại qua các thế hệ đến đời con cháu bây giờ. Những nhân chứng kể lại:
- Ông Lê Đình Thược ( Dòng họ 3 đời cụ Lê Đình Hạnh)
- Cụ Lê Trọng Nhuận
- Cụ Lê Thị Phú (lương giáo)
- Ông Quản Cựu Ơn Họ Đa Ngư
- Ông Nguyễn Đăng Nhường và một số nhân chứng khác…
Trên đây là bản lược sử đã được truyền lại từ các thế hệ trước. Tiểu sử vẫn còn những giai đoạn chưa được ghi chép lại hết. Ban tìm hiểu tiểu sử Giáo xứ Mỗ Xá xin tiếp thu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của những quý vị xa gần để hoàn thiện hơn kể cả về nội dung lẫn hình thức. Xin chân thành cám ơn!
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về:
Email: giaoxumoxa@gmail.com
Phone: 1. Cha Giuse Nguyễn Đăng Tiến: 0915 999 193
2. Admin Website: 097 990 4830
Hoặc gửi messenger đến trang Fanpage của Giáo xứ Mỗ Xá theo đường link: https://www.facebook.com/giaoxu.moxa