27 C
Hanoi
Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một 2023
spot_img
Trang chủGiáo xứThánh Martinô TẠ ĐỨC THỊNH – Xương Thánh của Ngài được đặt...

Thánh Martinô TẠ ĐỨC THỊNH – Xương Thánh của Ngài được đặt tại Giáo xứ Mỗ Xá

Thánh Martinô TẠ ĐỨC THỊNH

Tiểu sử:

Thánh Martinô TẠ ĐỨC THỊNH sinh năm 1760  tại làng Kẻ Sặt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội, trong một gia đình trung lưu và nề nếp. Hiện tại một phần Xương Thánh của Ngài đang được đặt Giáo xứ Mỗ Xá.

Ngài chịu tử đạo ngày 8 tháng 11 năm 1840 tại Bảy Mẫu, Nam Định. Thi thể của cha già Martinô Tạ Đức Thịnh được rước về an táng tại xứ Vũ Điện, sau di chuyển về quê hương của Ngài là Kẻ Sặt, Hà Nội.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước  ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng hiển thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lễ kính: Ngày 8 tháng 11 hàng năm

HỒNG PHÚC TỬ ĐẠO 

Bệnh tật và bị bắt giam

Khi đang phục vụ ở Trình Xuyên, cha bị ung nhọt ở bên má, rồi lan xuống cằm, xuống miệng, vết thương đau đớn và máu mủ chảy ra hôi hám. Ông Cỏn đến thăm ngài, thấy tình cảnh như vậy, thì rước ngài về nhà cháu là ông Chiền ở Kẻ Báng để chữa trị.

Bấy giờ đang thời Minh Mạng cấm đạo. Kẻ Báng là một làng có đông giáo dân ở gần Nam Định. Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã sai một tội nhân từ Nam Định về  Kẻ Báng để do thám nhằm lập công chuộc tội. Người này tuy không có đạo, nhưng quen biết nhiều nên ra vào làng  dễ dàng.  Khi biết chắc trong làng có các linh mục đang ẩn náu, anh ta liền đi cáo quan.

Tức thì tổng đốc Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiện Bản đem 1000 quân và rất nhiều dân hàng tổng đến vây làng Kẻ Báng trong ba ngày. Quan cho phát loa gọi dân làng tập trung ở đình để điểm danh. Tất cả đàn ông con trai tuổi từ 15 đều bị trói lại và tập trung ở một nơi có binh lính canh gác cẩn thận, trong khi đàn bà, con gái thì nấu ăn cho binh lính và thân nhân.

Ngày đầu tiên, quan quân lục soát hết cả làng mà không tìm thấy linh mục nào. Quan đã có ý định rút quân, thì người tố giác cứ nhất quyết lấy đầu ra thề rằng có đạo trưởng trong làng, nên quan Tổng đốc tiếp tục cho lục soát. Khoảng 9 giờ sáng ngày thứ hai thì quân lính đã bắt được cha Giuse Nghi và cha Phaolô Ngân. Còn cha Martinô Thịnh nằm ở chõng nhà anh Chiền không chịu đi trốn. Cha dặn dì Thanh, người giúp cha rằng: “Nếu lính có đến hỏi thì con lựa lời mà nói, cha làm thinh vì nếu nói ra là linh mục chúng nó làm hại đến làng và gia đình cho cha trọ“. Quân lính qua lại thấy ngài là một lão già, bệnh tật, hôi hám thì tránh xa và không nghi ngờ. Đôi khi có người hỏi thì cha giả điếc không thưa. Chỉ có chị Thanh Dòng Mến Thánh Giá thưa rằng: “Ông này là bố tôi”. Thực lòng cha Thịnh không muốn để mình bị bắt vì như thế dân làng đã đón tiếp cha sẽ phải mang hoạ khốn khổ.

Ngày thứ ba, khi thấy quan quân ra lệnh cướp phá làng Kẻ Báng thì cha Martinô Thịnh vẫn nằm trên chõng tre ở nhà anh Chiển để cầu nguyện cho dân làng. Nhưng khi biết cha Giuse Nghi và Phaolô Ngân đã bị quan quân bắt rồi thì cha không muốn giấu mình là đạo trưởng nữa. Quá trưa ngày thứ ba, có một cai đội vào nhà anh Chiển hút thuốc, thấy cụ già bệnh tật nằm đấy liền sinh nghi và hỏi: “Ông có phải đạo trưởng không?”. Cha Thịnh nói ngay: “Tôi là đạo trưởng.” Bấy giờ cai đội liền bắt lính khiêng cha đến trước mặt quan Tổng đốc.

Thấy cha già cả lại bệnh tật hôi hám, quan Tổng đốc nói: “Ông quá khoá đi”. Cha thưa: “Tôi không dám đâu!” Quan lại hỏi: “Ông có phải đạo trưởng không?”Cha thưa: “Phải chính tôi là đạo trưởng”. Quan dỗ dành: “Thôi, ông quá khoá đi, ta sẽ tha ngay”. Cha thưa: “Tôi bằng này tuổi đầu mà lại quá khoá ư? Ai dại quá khoá thì mặc người ta, còn tôi, tôi chẳng dại đến nỗi ấy”.

Thấy không thể lay chuyển được ý chí của cha già, quan truyền đóng gông giải ngài về Nam Định cùng với cha Giuse Nghi, cha Phaolô Ngân, ông Thọ, ông Cỏn là hai chủ nhà đón tiếp cha Ngân và cha Thịnh, cùng hai mươi người làng Kẻ Báng. Hôm đấy là ngày 31 tháng 5 năm 1840.

Già nua nhưng không thua lòng dũng cảm

Vì già cả lại mắc bệnh tật, nên cha Martinô Thịnh bị giam riêng một nơi trong Trại Lá, hay còn gọi là Trại Quan Thượng Nam Định. Tuy  đã 80 tuổi song cha vẫn phải mang gông nặng ban ngày, còn ban tối bị giam trong cũi cực khổ mọi đàng.

Khoảng một tháng sau, Quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh lại triệu cha Thịnh cùng với cha Ngân và cha Nghi lên công đường dụ dỗ và tra khảo. Quan bắt các cha phải bước qua thập giá nhưng các ngài đều cương quyết chối từ. Cha Thịnh nói: “Tôi bằng này tuổi đầu mà lại còn sợ chết nữa sao? Tôi không thể làm theo lời quan được. Quan lại hỏi về tên tuổi và nơi ở của các thừa sai nhưng các cha đều nói không biết, vì thế các ngài đều bị bắt phơi nắng cả ngày mà không cho uống nước.

Ngày 3/7/1840 quan tổng đốc truyền lệnh: “Nếu các ông không quá khoá, các ông sẽ phải chết”. Quan còn truyền đưa các hình khổ như lò than hồng, kìm kẹp để doạ các cha, nhưng các ngài đều coi thường. Cha Nghi thay mặt hai cha trả lời: Thưa quan, nếu quan thương, chúng tôi nhờ, nếu không thương, chúng tôi cũng xanh rì nấm mộ, còn bước qua thập giá, chúng tôi không bao giờ làm”.

Quan truyền đánh mỗi người 50 roi, riêng cha Thịnh, thêm 10 roi nữa, vì nghĩ rằng cha già yếu không chịu nổi đau đớn, sẽ ngã lòng và quá khoá, nhưng cha Thịnh không kêu một lời lại tỏ vẻ vui tươi. Từ đó quan Tổng đốc không đánh đòn ngài nữa và mỗi khi nghe nói đến cha là quan lại nhiếc móc ngài là “thằng cụ thối tha, gàn dở”.

Hồng phúc tử vì đạo

Sau năm tháng giam cầm, đánh đập, tra khảo, đe doạ, dụ dỗ, quan tổng đốc không thể làm cho các ngài lung lạc niềm tin. Quan liền khép án cha phải trảm quyết, rồi gửi về kinh đô. Vua Minh Mạng châu phê y án và truyền thi hành ngay. Khi biết tin này, cha vui mừng, xưng tội, dọn mình sốt sáng để bước vào trận chiến cuối cùng.

Ngày 8/11/1840, cha Thịnh cùng với cha Ngân, cha Nghi, ông Thọ, ông Cỏn bị đưa ra pháp trường Bảy Mẫu, ngoại thành Nam Định. Quan giám sát cưỡi voi đốc thúc 500 quân lính thi hành cuộc xử tử này. Sau khi quỳ gối cầu nguyện, cha Thịnh và các chứng nhân ra hiệu cho lý hình bắt đầu. Các đao phủ lần lượt chém đầu 5 chiến sĩ đức tin. Khi chém đến cha Thịnh, người lính chém ba, bốn nhát đầu ngài mới rơi xuống, cho linh hồn ngài bay về nơi vĩnh phúc sau 80 năm hành trình dương thế, kết thúc những ngày chịu đau khổ vì bệnh tật, giam cầm, tra tấn.

Một thầy giảng tên Sự giao thi hài cha Martinô Tạ Đức Thịnh cho giáo dân họ Vũ Điện đem về mai táng ở nhà thờ giáo họ. Về sau, cha Ích đã cải táng đưa về làng Kẻ Sét  là quê hương của ngài.

Ngày 27/5/1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII phong Chân Phúc cho cha Martinô Tạ Đức Thịnh và ngày 19/6/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh./.

Nguồn: Tonggiaophanhanoi.org

Bài mới nhất